Chung tay cùng người dân Hòa Vang tạo lập thương hiệu nông sản OCOP

Dấu ấn những ngày tham gia Chiến dịch sinh viên (SV) tình nguyện tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng của SV Trường Đại học (ĐH) Kinh tế-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) vừa có thêm thành quả mới khi 04 hộ gia đình có nông sản tiềm năng thuộc “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được bàn giao, tiếp nhận bộ nhận diện thương hiệu (logo, nhãn mác và bao bì) từ nhiệt huyết và trí tuệ của tuổi trẻ.  

Đây là 04 sản phẩm OCOP mang bản sắc của địa phương bao gồm: Nấm bào ngư AC Food, Rượu Đông trùng hạ thảo, Bánh khô mè bà Nghi và Ổi hữu cơ Hòa Bắc.


Buổi bàn giao bộ nhận diện

thương hiệu các sản phẩm OCOP 

Th.S Chu Mỹ Giang-giảng viên Khoa Marketing Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN đã tư vấn cho hoạt động ý nghĩa này cho biết, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân Hòa Bắc, nhóm SV tình nguyện của Trường đã tìm hiểu và thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho nhóm nông sản của bà con mang phong cách mới để nổi bật và thu hút hơn trên thị trường các sản phẩm OCOP.


SV cùng Chủ cơ sở kinh doanh

Rượu đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm

với bộ nhận diện thương hiệu mới 

Không những có hình thức phù hợp, sáng tạo mà câu chuyện của SV chung tay cùng người dân làm thương hiệu sản phẩm còn đem đến cho chính những người chủ của các sản phẩm này một góc nhìn mới mẻ, từ đó quan tâm hơn đến giá trị thương hiệu để tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường sản phẩm vừa phục vụ nhu cầu khách hàng, vừa quảng bá văn hóa, du lịch địa phương.


Làm nổi bật, thu hút sản phẩm

Nấm bào ngư AC Food bằng 

nhãn mác, bao bì, logo mới

Theo chia sẻ của ông Phan Văn Hùng, Chủ cơ sở kinh doanh Nấm đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong), đây là sản phẩm với nhiều loại axit amin khi được ngâm ủ trong rượu nếp sẽ có chức năng bổ dưỡng, tăng sức kháng viêm…

Nhu cầu tiêu thụ cần mở rộng mạng lưới thị trường rất cần có bộ nhận diện thương hiệu trước mắt giúp giới thiệu hiệu quả sản phẩm trong các hội chợ xúc tiến thương mại là “cầu nối” đến nhanh với thị trường khách hàng.

Các sản phẩm marketing được SV cùng

người dân thiết kế chuyên nghiệp, nổi bật 

Mẫu logo, nhãn mác và bao bì được SV Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN hỗ trợ thiết kế có tính sáng tạo giúp sản phẩm trở nên hấp dẫn, sang trọng và chuyên nghiệp hơn. Hy vọng Rượu đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm sẽ sớm trở thành sản phẩm OCOP của quê nhà.

Theo ThS. Trần Thị Thanh Thảo-Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN, Nhà trường luôn quan tâm, hỗ trợ và khuyến khích SV đem kiến thức đã học ứng dụng vào giải quyết các vấn đề cấp thiết, mang hơi thở cuộc sống. Chung tay cùng người dân trong phát triển kinh tế nông thôn là hoạt động tình nguyện đáp ứng được nhu cầu vì cộng đồng, khơi dậy sức trẻ sáng tạo trong SV.


Trí tuệ, sức sáng tạo của SV với khát khao

có thêm các sản phẩm OCOP của người dân

tạo nên giá trị mới mang bản sắc địa phương

Trong thời gian tham gia Chiến dịch Mùa hè Xanh tại Hòa Vang là địa phương mà Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN vừa tiếp tục ký kết Thỏa thuận hợp tác góp phần xây dựng nông thôn mới, các nhóm SV tình nguyện của Trường đã đến tận các hộ gia đình sản xuất, vườn trồng nông sản để gặp gỡ cùng bà con nghiên cứu, phát triển thương hiệu phù hợp với loại hình sản phẩm và nhu cầu thị hiếu của thị trường.

Khi Nhà trường hợp tác với địa phương

chung tay xây dựng nông thôn mới

Hình thức nhãn mác, logo, bao bì của mỗi sản phẩm thực sự là thành quả chung của những người dân luôn khát khao có thêm những sản phẩm mới, có giá trị trên chính quê hương mình với những SV mang màu áo xanh tình nguyện, đem tri thức phục vụ cộng đồng. Chính nhờ vậy, các sản phẩm càng được nâng tầm, thương mại hóa trên hành trình hiện thực mong muốn của bà con trở thành các sản phẩm OCOP trong tương lai không xa.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Nguồn tin, ảnh: Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN

Bài viết liên quan :

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *