Gắn kết nghiên cứu đổi mới sáng tạo với ứng dụng; tích cực tham gia tư vấn, phản biện chính sách

Nghiên cứu khoa học (NCKH) và đổi mới sáng tạo là một tiêu chí quan trọng thể hiện vai trò, năng lực, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học (ĐH).

Việc tăng cường gắn kết nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo với ứng dụng, tư vấn, phản biện chính sách không chỉ đem lại nguồn thu cho phát triển các trường, viện mà còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) ngày càng trở thành một trụ cột quan trọng vì sự phát triển bền vững của nhà trường, tích cực phát triển kinh tế-xã hội.


ĐHĐN ký kết hợp tác với Sở KHCN TP. Đà Nẵng hỗ trợ SV NCKH  và sáng tạo khởi nghiệp 

Cân đối nguồn thu từ hoạt động KHCN, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Theo TS. Tào Quang Bảng-Trưởng phòng KHCN & Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đẩy mạnh hợp tác NCKH với nhiều địa phương trong khu vực. Nhiều nhiệm vụ của địa phương đã ký hợp đồng triển khai với nhà trường. Nguồn thu từ hoạt động NCKH “có địa chỉ” của trường chỉ tính trong năm 2021 đạt khoảng 13 tỉ đồng, chưa bao gồm các nguồn từ chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế”.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã sắp xếp, sáp nhập các trung tâm chuyển giao KHCN của trường thành lập Viện KHCN với chức năng, nhiệm vụ là đầu mối triển khai chuyển giao tri thức, sản phẩm công nghệ ứng dụng các kết quả NCKH.


Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đề xuất giải pháp chống ngập úng đô thị Tam Kỳ và vùng phụ cận

Bình quân mỗi năm Nhà trường tiếp nhận khoảng 1 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ, tài trợ quỹ NCKH từ các đối tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế. Năm 2019 và 2020, với tài trợ của Vingroup, con số này đạt xấp xỉ 5 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng để tăng cường tiềm lực phát triển hoạt động KHCN của trường, thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh đóng góp phát triển vùng và đất nước, đại diện Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng chia sẻ.

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng xác định hợp tác quốc tế và NCKH là hướng chủ đạo để tăng cường năng lực tài chính cho hoạt động KHCN. Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tổng nguồn thu của trường từ hoạt động NCKH từ các đề tài ở các địa phương đạt khoảng gần 4 tỉ đồng.

Riêng đối với công tác tư vấn, phản biện chính sách, Nhà trường ưu tiên thực hiện như một sứ mệnh đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước chứ không thu phí.


Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN tổ chức Toạ đàm đánh giá tác động và giải pháp thích ứng  với Covid-19 cho doanh nghiệp miền Trung 

“Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo chính là tăng cường hoạt động NCKH trong Nhà trường, trong đó chú trọng tích cực chủ động tham gia tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức bám sát nhu cầu các địa phương, từ đó ngày càng thể hiện rõ vai trò và tầm chiến lược của Nhà trường trong sự phát triển kinh tế – xã hội”, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng chia sẻ.

NCKH là động lực để nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng phát triển bền vững

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh công bố quốc tế để nâng cao vị thế, uy tín quốc tế và xếp hạng ĐH, các trường ĐH cần đẩy mạnh nghiên cứu gắn với ứng dụng chuyển giao để góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết từ thực tiễn.


Khơi dậy tiềm năng NCKH trong SV, hun đúc tinh thần đổi mới sáng tạo khởi nghiệp 

Việc ĐH Đà Nẵng ký kết và triển khai các Thoả thuận hợp tác với các tỉnh thành trong khu vực miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum…) trong thời gian qua cho thấy những khởi sắc, chuyển dịch mạnh mẽ từ chỗ nghiên cứu những gì mình có sang nghiên cứu theo đặt hàng, nhu cầu kinh tế-xã hội của các địa phương, tích cực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó vai trò tham gia tư vấn, xây dựng và phản biện chính sách ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Để thúc đẩy NCKH gắn với địa chỉ ứng dụng, ĐH Đà Nẵng triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thu thập nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp.


Nhiều sản phẩm NCKH của SV có tính
khả thi, phát triển để ứng dụng tốt (Ảnh trước dịch Covid-19)

Cần tạo điều kiện, cơ chế hơn nữa để động viên, khơi dậy tiềm năng còn rất lớn trong sinh viên, hỗ trợ để các em tham gia NCKH, hun đúc tinh thần đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Qua thực tế hoạt động sinh viên NCKH của các trường ĐH thành viên trong ĐH Đà Nẵng cho thấy, hầu hết các đề tài, sản phẩm NCKH của các em đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, có tính khả thi để phát triển ứng dụng cao, thậm chí được các doanh nghiệp quan tâm, đặt hàng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ khẳng định.

NCKH trong các trường ĐH chính là nhằm tác động trở lại để nâng cao chất lượng dạy-học, đổi mới phương pháp, nội dung kiến thức truyền thụ đến người học, bảo đảm luôn cập nhật với tri thức, công nghệ mới, cùng với đó giúp giảng viên và sinh viên trau dồi các kỹ năng cần thiết để thích ứng với xu thế phát triển giáo dục ĐH và môi trường sản xuất kinh doanh hiện đại, GS.TSKH. Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN 

(Theo Báo Giáo dục và Thời đại)

Bài viết liên quan :

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *